Trung tâm Tư vấn và Thực hành pháp luật khoa Luật – Đại học Huế tiến hành tuyên truyền và cung cấp kiến thức pháp luật trong một số lĩnh vực

ĐỢT 1

ĐIỀU KIỆN TRỞ THÀNH LUẬT SƯ

Trung tâm đã nhận được nhiều câu hỏi của các em sinh viên Khoa Luật Huế và nhiều khách hàng quan tâm về vấn đề hướng nghiệp trong tương lai. Đó là: điều kiện để trở thành Luật sư.

Có nhiều sinh viên hỏi: “Em đã có bằng cử nhân Luật thì cần phải có thêm điều kiện gì để có thể trở thành Luật sư”?

Các Tư vấn viên của Trung Tâm có thể giúp các em và những người quan tâm đến nghề Luật sư những thông tin cần thiết để trở thành Luật sư.

I. Văn bản pháp luật

  1. Luật luật sư 2006 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.
  2. Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 2 năm 2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư.

II. Nội dung cụ thể

  1. Tiêu chuẩn luật sư
    Công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
  2.  Điều kiện hành nghề luật sư
    Người có đủ những tiêu chuẩn trên phải có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn Luật sư. Để trở thành luật sư phải qua đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư. Căn cứ vào Điều 12, Điều 14 Luật Luật sư 2006 quy định:

    • Người có bằng cử nhân luật được đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.
    • Thời gian đào tạo nghề luật sư là 6 tháng, người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.
    • Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì được tập sự hành nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư. Thời gian tập sự hành nghề luật sư là 18 tháng, trừ trường hợp được giảm thời gian tập sự. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn Luật sư. Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư.
    • Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký việc tập sự tại Đoàn Luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự. Đoàn Luật sư có trách nhiệm giám sát việc tuân theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư.
    • Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp, không được nhận và thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Khi hết thời gian tập sự, luật sư hướng dẫn nhận xét kết quả tập sự của người tập sự hành nghề luật sư bằng văn bản và gửi đến Đoàn Luật sư nơi người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự.
    • Việc tập sự hành nghề luật sư được thực hiện theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư do Liên Đoàn Luật sư toàn quốc ban hành.

    Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với tổ chức luật sư toàn quốc tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
    Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoạt động theo Quy chế tập sự hành nghề luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra tập sự hành nghề luật sư lập hồ sơ gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư kèm theo hồ sơ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.

    Hiện nay, Luật sư là một nghề đang thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên Luật và nhiều người có nhu cầu. Nhưng đó cũng là nghề đòi hỏi phải có kiến thức pháp lý sâu rộng và đạo đức hành nghề. Để trở thành một luật sư giỏi trong tương lai, trước hết các em cần phải học tốt tất cả các môn học, đọc sách báo chuyên ngành và tham dự các phiên tòa thực tế để trau dồi kiến thức lý luận và thực tiễn.

Chúc các em học tốt và thành công trong ước mơ trở thành Luật sư.

Ban biên tập Trung tâm Tư vấn và Thực hành pháp luật